Đường ven biển Hải Phòng – Thái Bình hơn 3.700 tỷ dang dở nhiều năm, vì sao?
Mặc dù dự án đường ven biển Hải Phòng – Thái Bình đã đạt tổng tiến độ trên 80% nhưng vẫn đang gặp nhiều khó khăn do điều chỉnh lãi suất vốn vay chưa được chấp thuận.
Nhiều lý do khiến dự án kéo dài
Dự án tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng – Thái Bình có gần 20,8km đi qua TP Hải Phòng và gần 9km đi qua địa bàn tỉnh Thái Bình.
Đây là dự án nằm trong tuyến đường bộ ven biển Việt Nam kéo dài từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, được Thủ tướng phê duyệt năm 2010 (được điều chỉnh vào tháng 12/2015 và được bổ sung vào danh mục các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải tháng 4/2023).
Dự án được thực hiện theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư hơn 3.758 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước tham gia là 720 tỷ đồng, vốn BOT là 3.038 tỷ đồng.
Nhà đầu tư là Liên danh giữa Tổng công ty Xây dựng Số 1- CTCP (CC1) và Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bùi Vũ. Doanh nghiệp được nhà đầu tư giao trực tiếp quản lý, triển khai thực hiện dự án là Công ty TNHH Đầu tư đường ven biển Hải Phòng.
Khi hoàn thành, đây sẽ là tuyến đường huyết mạch góp phần phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng cho khu vực ven biển phía Bắc.
Dự án bắt đầu triển khai chính thức từ năm cuối năm 2018. Thời điểm này, những khó khăn về nguồn vốn bắt đầu tác động đến dự án do chính sách tín dụng của Nhà nước, nguồn vật nguyên vật liệu khan hiếm. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 kéo dài hơn 3 năm đã khiến tiến độ dự án bị kéo dài.
Tuy vậy, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các địa phương, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và các nhà thầu đã nỗ vượt qua các khó khăn để tổ chức thi công trên công trường. Đến nay dự án đạt được sản lượng 2.387/3.038 tỷ đồng, tương đương gần 80% giá trị phần vốn BOT.
Chênh lệch lãi suất gây thiệt hại cho nhà đầu tư
Cùng với tình hình khó khăn của các dự án BOT trên cả nước, một trong những khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính của dự án chính là mức chênh lệch lãi suất vốn vay giữa nhà đầu tư vay thực tế và theo quy định tại hợp đồng BOT.
Điều này đã được dự báo trước và đưa vào điều khoản hợp đồng BOT. Tuy nhiên nhà đầu tư cho biết, sau một thời gian triển khai cho đến trước khi phụ lục hợp đồng số 1 hết hiệu lực, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án đã có nhiều văn bản báo cáo kiến nghị điều chỉnh lãi suất vốn vay nhưng đến nay UBND TP Hải Phòng vẫn chưa có phương án giải quyết.
“Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ về đích của dự án, gây thiệt hại rất lớn cho nhà đầu tư. Trong khi đó, dù chưa hoàn thiện nhưng một số người dân cố tình vượt hàng rào để cho phương tiện lưu thông bên trong dự án, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông”, đại diện nhà đầu tư nói và cho biết, quy định xác định lãi suất vốn vay tại Thông tư số 55/2016 và số 75/2017 của Bộ Tài chính thực tế không phù hợp lãi suất huy động trên thị trường, với mức chênh lệch khoảng 5-6%/năm. Dự án dự kiến sẽ bị thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng.
Trước tình hình trên, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án đã nhiều lần có văn bản đề xuất lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bộ Tài chính là một trong những cơ quan tham mưu của Chính phủ đã nhiều lần có văn bản trả lời với nội dung: Đề nghị UBND TP Hải Phòng với vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, căn cứ quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng dự án xem xét, quyết định việc điều chỉnh lãi suất vốn vay tại hợp đồng dự án phù hợp với quy định tại Nghị định số 28/2021 và các quy định có liên quan, đảm bảo hài hòa lợi ích hợp pháp của các bên.
“Như vậy, theo Bộ Tài chính, nội dung điều chỉnh lãi suất vốn vay và nguyên tắc xác định lãi suất vốn vay thuộc thẩm quyền của UBND TP Hải Phòng và có trong quy định của hợp đồng BOT.
Trong điều kiện khó khăn bộn bề, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và các nhà thầu vẫn cố gắng thi công để hoàn thiện nhiều hạng mục chính của dự án. Các cầu qua sông Thái Bình, Văn Úc và nhiều đoạn trên tuyến cơ bản hoàn thành. Tổng tiến độ của dự án hiện đã đạt trên 80%.
Tuy vậy, đến nay các cơ quan chức năng địa phương vẫn chưa có phương án hợp lý để xử lý triệt để. Điều này làm cho dự án kéo dài, khiến các khoản lãi vay cũng như các chi phí đội lên rất nhiều so với phương án ban đầu, gây thiệt hại nặng nề cho các bên”, đại diện nhà đầu tư cho hay.
Liên quan đến kiến nghị của nhà đầu tư, trao đổi với Báo Giao thông, một lãnh đạo UBND TP Hải Phòng cho biết, dự án đường ven biển Hải Phòng – Thái Bình là dự án mà thành phố rất quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng, bởi đây là dự án mang tính liên kết vùng, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội không chỉ của Hải Phòng.
“Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Thành phố đã tích cực chỉ đạo, nhiều lần có văn bản, trực tiếp làm việc với các cơ quan Trung ương để kiến nghị giải quyết. Thành phố sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp dự án để tháo gỡ các trong thời gian tới”, vị này khẳng định.
Dự án tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng – Thái Bình dài 29,7km, điểm đầu giao với đường tỉnh 353, thuộc phường Minh Đức, quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng và điểm cuối tại Km 29+706,89 giao với quốc lộ 37, thuộc xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy (Thái Bình).
Dự án khởi công năm 2017, dự kiến hoàn thành trong năm 2019. Sau nhiều lần được gia hạn, đến nay con đường này vẫn dở dang.